Kiến thức như Á Phiện, càng nạp càng ghiền

 KIẾN THỨC NHƯ Á PHIỆN, CÀNG NẠP CÀNG GHIỀN (Bác sĩ thẩm mỹ Nguyễn Đức Khải)

bac si tham my nguc Kiến thức như Á Phiện, càng nạp càng ghiền

 

Thượng Tùng thực hiện

Nguyễn Đức Khải là bác sĩ thẩm mỹ được khá nhiều người biết. Anh tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, làm luận văn thạc sĩ tại Đại học Y Hà Nội. Khi đang chuẩn bị làm đề tài nghiên cứu sinh thì anh phải bỏ về đi làm do cha anh qua đời. Năm 2009, anh là một trong hai người Việt Nam nhận học bổng tu nghiệp tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc. Bệnh viện này quy tụ hầu hết các giáo sư đầu ngành y tại Hàn Quốc. Đây cũng là bệnh viện có kỹ thuật phẫu thuật sọ mặt tiên tiến nhất tại Hàn Quốc hiện nay. Sau khóa học tại Hàn Quốc, anh tiếp tục nhận học bổng đi học giải phẫu thẩm mỹ tại Bệnh viện MD Anderson, thành phố Houston, Hoa Kỳ.

Cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi diễn ra tại một quán cà phê ngay trung tâm thành phố, nhìn ra Nhà thờ Đức Bà, sau khi anh vừa buông dao mổ. Cuộc trò chuyện bắt đầu từ những ngày đầu anh đến Hàn Quốc tu nghiệp. Anh nói:

Khi đến Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul tôi được học tại hai trong bốn cơ sở của bệnh viện trường, bệnh viện chính dành cho người lớn và bệnh viện nhi. Thời gian đầu tôi như vỡ òa vì hạnh phúc khi được tiếp cận với nền y học hiện đại của Hàn Quốc. Tại bệnh viện Nhi, giáo sư trực tiếp dạy tôi là Chủ tịch hiệp hội Tạo hình thẩm mỹ của Hàn Quốc. Ông nổi tiếng với nhiều công trình nghiên cứu được giải thưởng quốc tế trong ngành phẫu thuật sọ mặt. Ngoài những gì được học về tạo hình sọ mặt tôi cũng tìm cơ hội để tiếp cận với phẫu thuật thẩm mỹ đang nổi tiếng như một ngành công nghiệp mũi nhọn của Hàn Quốc. Sau những giờ lý thuyết và thực tập tại khoa, tôi gần như sống bán trú tại thư viện trường và khoa. Tôi tìm hiểu việc tại sao y tế của họ phát triển tốt đến như vậy? Tìm đọc các tài liệu về thẩm mỹ của quốc gia này, tôi gặp trở ngại vì nhiều sách mô tả các kỹ thuật được viết bằng bản ngữ. May mắn là tôi chơi thân với các bác sĩ Hàn Quốc cùng học chương trình giống tôi và họ giúp tôi về mặt dịch thuật ra tiếng Anh và diễn giải các phương pháp mà tôi chưa từng biết đến. Tôi còn mạnh dạn viết thư cho các tác giả của những công trình nghiên cứu. Quả thật cũng không dễ dàng có được sự hồi âm của họ, vì tốc độ công việc và áp lực cuộc sống tại Hàn Quốc là rất cao. Thời gian đầu gửi thư đi, ngày nào tôi cũng kiểm tra hộp thư và cầu nguyện được phúc đáp. Không nhận được thư trả lời tôi buồn vô cùng, nhưng sau đó vẫn kiên nhẫn gửi thư tiếp để hỏi các vấn đề chuyên môn mà mình chưa thấu đáo. Có tác giả tôi phải gửi đến lá thư thứ tám. Đôi khi tôi cũng hơi áy náy vì mình gửi thư như “dội bom”, nhưng rồi lại tự động viên rằng mục đích của mình chỉ là “xin chữ”, không làm tổn hại ai. Thái độ cầu thị và sự bền lòng dần dần đã thuyết phục được họ và cuối cùng may mắn cũng mỉm cười với người bền chí. Họ liên tục gửi các công trình nghiên cứu khác cho tôi đọc để hiểu rõ vấn đề hơn. Sau một thời gian trao đổi qua thư, họ điện thoại và cho tôi đến học trực tiếp.

Hình như phẫu thuật sọ mặt là một lĩnh vực mà y khoa Việt Nam chưa vươn tới được?

Mặc dù không phải là tiến bộ khoa học mới trên thế giới nhưng phẫu thuật sọ mặt ở nước ta vẫn chưa thể triển khai. Có thể vì phẫu thuật sọ mặt là đại phẫu, thường kéo dài trên mười giờ đồng hồ, đòi hỏi sự đồng bộ của cả ê kíp từ phẫu thuật sọ não, phẫu thuật tạo hình, gây mê, hồi sức, … Ở Hàn Quốc, chẳng hạn như nơi tôi học, phẫu thuật sọ mặt nằm trong một cụm, thuộc cả hai bệnh viện dành cho người lớn và nhi. Theo tôi biết thì cũng đã có bác sĩ Việt Nam được đào tạo về phẫu thuật sọ mặt ở nước ngoài. Một rào cản cũng rất đáng kể khiến phẫu thuật sọ mặt chưa triển khai được là vấn đề chi phí. Những trang thiết bị chuyên dụng phục vụ phẫu thuật đều rất mắc tiền, thí dụ như những cây nẹp tự tiêu có giá hàng ngàn USD. Thông thường, một ca phẫu thuật sọ mặt có giá không dưới 20 ngàn USD. Ở Hàn Quốc, bảo hiểm y tế chi trả 80% chi phí. Đây là gánh nặng quá sức đối với hệ thống bảo hiểm y tế hiện hành ở Việt Nam.

Tại sao anh lại quyết tâm theo đuổi một kỹ thuật mà khả năng áp dụng vào thực tiễn còn khá mù mịt?

Thực ra nhu cầu phẫu thuật sọ mặt ở nước ta không nhỏ. Tôi tin rằng trong tương lai không xa, ngành y tế sẽ tìm ra cách để triển khai kỹ thuật này. Mối quan hệ giữa phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ có thể xem như “mẹ” với “con”. Ở Hàn Quốc, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ bắt buộc phải qua giai đoạn bác sĩ nội trú về tạo hình. Ở khía cạnh thẩm mỹ, tôi mong muốn học về phẫu thuật xương gò má. Những lúc trà dư tửu hậu, một số đồng nghiệp của tôi thừa nhận rằng kỹ thuật này ở Việt Nam vẫn chưa thể coi là triệt để. Trong gia đình tôi cũng có một số phụ nữ có xương gò má cao. Đây được xem là nỗi muộn phiền của nhiều người xét về khía cạnh mỹ học lẫn tướng số. Thế nên, ngoài thời gian học phẫu thuật sọ mặt ở bệnh viện nhi, tôi may mắn xin thêm được học bổng về phẫu thuật tạo hình mũi dành cho nam giới ở Trường Đại học công giáo Daegu, đồng thời học thêm tại ba thẩm mỹ viện nổi tiếng nhất Hàn Quốc.

Thời gian đâu để anh căng sức trên nhiều “mặt trận” như vậy?

Ở Bệnh viện Quốc gia Seoul, hằng tuần tôi chỉ học từ thứ Hai đến sáng thứ Năm. Trưa thứ Năm, tôi đón tàu cao tốc đi Daegu cách đó khoảng 300km và ở lại đó làm việc đến tối khuya thứ Bảy. Sau ba tháng, tôi chỉ đi Daegu mỗi khi thầy tôi thông báo có những ca phẫu thuật phức tạp. Còn ở các thẩm mỹ viện tư nhân, tôi thường ghé vào buổi chiều sau khi buông dao mổ ở Bệnh viện Quốc gia Seoul.

Có khi nào anh cảm thấy quá tải?

Không. Kiến thức như á phiện, càng nạp càng ghiền. Đi học mà không thêm được cái gì mới thì buồn và cảm thấy thời gian trôi qua vô nghĩa.

Là một bác sĩ tham gia phẫu thuật thẩm mỹ, anh đã từng để dao kéo đụng can thiệp vào gương mặt mình vì mục tiêu thẩm mỹ?

               Có. Tôi có sửa mũi. Ở khía cạnh thẩm mỹ, tôi không hài lòng về cái mũi của mình, thành ra phải sắp xếp lại cho ngăn nắp hơn. Trước khi phẫu thuật, mũi của tôi bị gãy. Công việc thường xuyên trục trặc, lận đận. Tôi không mấy tin vào dị đoan nhưng điều này ngẫm ra lại đúng. Một đồng nghiệp khuyên tôi nên phẫu thuật. Mũi anh ấy cũng bị gãy. Nhưng từ khi phẫu thuật cho ngăn nắp lại thì công việc trôi chảy. Kể từ khi phẫu thuật xong cái mũi, tôi tự kiểm nghiệm và thấy rằng quả thực những việc mình làm hanh thông hơn trước nhiều. Kết thúc khóa học, các thầy của tôi cũng nói tôi ở lại thêm ít ngày để sửa lại cái mũi. Có vẻ như họ vẫn chưa hài lòng về cái mũi của tôi.

Rồi anh có ở lại không?

Không. Tôi phải về Việt Nam. Tôi chỉ có ba ngày để làm thủ tục đi Mỹ. Bệnh viện MD Anderson ở thành phố Houston, bang Texas, khá nổi tiếng về kỹ thuật vi phẫu cho tôi một học bổng kéo dài bốn tháng.

Có vẻ anh khá nhiều kinh nghiệm săn học bổng?

            Hằng năm, ở Hàn Quốc có hai hội nghị quốc tế về thẩm mỹ, tổ chức vào mùa Thu (tháng 10) và mùa Xuân (tháng 3). May mắn là tôi được dự cả hai sự kiện này trong thời gian học tập ở Hàn Quốc. Có một điều khiến tôi khá bất ngờ là mọi người không “giấu nghề”, sẵn sàng chia sẻ hết kinh nghiệm cũng như những kỹ thuật mới. Ngoài các chuyên gia đầu ngành về phẫu thuật thẩm mỹ, hội nghị còn có sự góp mặt của các giám đốc điều hành bệnh viện, chia sẻ cả chiến lược phát triển của bệnh viện. Cuối khóa học, các thầy hướng dẫn yêu cầu tôi làm một báo cáo khoa học. May mắn là báo cáo của tôi được đăng trên một tạp chí chuyên ngành và được chọn để báo cáo tại hội nghị mùa Xuân. Cũng nhờ báo cáo này mà tôi có cơ hội tiếp xúc với một số bác sĩ tại bệnh viện MD Andeson, thành phố Houston, Texas. Họ đến hội nghị với tư cách diễn giả. Chính họ đã giới thiệu và bảo chứng để tôi được bệnh viện trao học bổng.

Cụ thể thì anh mang đề tài gì đến hội nghị?

Tôi chọn đề tài Nhận diện và quan niệm về sự khác biệt cái đẹp của các vùng miền châu Á. Để tập trung, ban tổ chức giới hạn phạm vi trong bốn quốc gia là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam. Người ta đưa ra nhiều tiêu chí, từ trung bình chiều cao, cân nặng… nhưng gương mặt thì phân tích kỹ hơn. Trên gương mặt phụ nữ, có những bộ phận nằm trên mô mềm rất khó đo để định lượng. Tôi áp dụng phương pháp của Faberge, dùng bảy quả trứng để đánh giá các vùng miền, khối nhô trên gương mặt để tạo ra sự hài hòa và khả ái của gương mặt. Theo quan niệm phương Đông, gương mặt được coi là đẹp có hình trái xoan. Đấy chính là quả trứng thứ tám. Chuyện này là một sự thật hiển nhiên. Có lẽ vì mọi người đều biết nên chưa có ai liệt kê ra. Không ngờ ý kiến của tôi được hội đồng khoa học đánh giá tích cực và hội đồng khoa học trao tặng giải thưởng. Cũng qua hội nghị và bàn tròn các báo cáo viên, tôi có cơ hội tiếp xúc với GS Chang là quyền trưởng khoa Tạo hình và thẩm mỹ của bệnh viện MD Anderson.

Tiếp tục câu chuyện về vẻ đẹp của người phụ nữ. Quan niệm về vẻ đẹp của gương mặt phụ nữ châu Á có sự tương đồng?

Nhìn chung quan niệm về vẻ đẹp phụ nữ giữa bốn quốc gia châu Á có nhiều nét tương đồng. Chẳng hạn, cả bốn quốc gia đều cùng chung quan niệm phụ nữ có gò má cao là không đẹp, về tướng số được xem là xấu. Trong những báo cáo trình bày tại hội nghị, nhiều chỉ số về sắc đẹp của người Hàn Quốc cao hơn Trung Quốc và Việt Nam. Nhật Bản thì khác. Mặc dù đi trước Hàn Quốc khoảng hai thập niên về phẫu thuật thẩm mỹ nhưng theo những báo cáo của các đồng nghiệp Nhật Bản thì người dân nước này không đi phẫu thuật nhiều như trước nữa. Có hai lý do. Một là chế độ dinh dưỡng của người Nhật liên tục được cải thiện trong suốt hai thập niên qua. Nhờ vậy, cấu trúc xương thay đổi, khiến thế hệ được sinh ra trong khoảng thời gian này cao hơn. Khoa học đã chứng minh được mối quan hệ tỷ lệ thuận giữa chiều cao của con người với chiều cao của sống mũi. Đây cũng chính là một trong những bộ phận mà trước kia người Nhật cần đến sự can thiệp của dao kéo nhiều nhất. Lý do thứ hai khiến người Nhật ít đi phẫu thuật thẩm mỹ là bởi quan niệm về cái đẹp cũng đã có những thay đổi. Cha mẹ hướng con cái đến vẻ đẹp tâm hồn. Nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ của Nhật Bản giảm là cơ hội để ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ Hàn Quốc vươn lên dẫn đầu châu Á. Thêm nữa, ngành công nghiệp này còn có sự hỗ trợ tích cực từ ngành công nghiệp thời trang, du lịch, điện ảnh. Ước tính khoảng 85% phụ nữ và 35% nam giới ở Hàn Quốc tìm đến thẩm mỹ viện. Ngoài ra, người châu Âu, châu Mỹ cũng tìm đến nước này để sửa sang sắc đẹp mặc dù chi phí không hề thấp hơn châu Âu hay Mỹ.

Anh quan niệm thế nào về cái đẹp?

Dân gian nói “đẹp trong ánh mắt của kẻ si tình”. Như vậy, vẻ đẹp ít nhiều phụ thuộc vào gu thẩm mỹ của người chiêm ngưỡng. Thí dụ, người này thích phụ nữ mảnh mai, người kia thích phụ nữ có bề ngoài phồn thực một chút. Thành ra khó có thể áp dụng một khuôn mẫu cụ thể cho mọi đối tượng. Tôi thích phẫu thuật thẩm mỹ của Hàn Quốc vì họ can thiệp rất chi tiết và sắc sảo. Cái hay của họ là thế giới có những kỹ thuật gì thì họ có kỹ thuật đó, tuy nhiên để có sự nổi trội, họ có những kỹ thuật rất riêng để phù hợp với chủng người châu Á. Nhưng có điều tôi không thích là nếu đứng giữa một dàn chừng 10 người đẹp thì sẽ có khoảng sáu người trông khá giống nhau. Tức là công nghệ làm đẹp của họ đã vươn tới những khuôn mẫu.

Vậy còn khi làm đẹp cho khách hàng, anh đi theo hướng nào?

Thành thực, tôi là một bác sĩ còn khá trẻ trong làng thẩm mỹ. Tôi đam mê nghề này và cố gắng trau dồi kiến thức mỗi ngày. Trước khi phẫu thuật, tôi luôn quan sát và trò chuyện với họ để hình dung được đặc thù tính cách lẫn công việc của họ, tìm ra điểm mạnh nhất của khách hàng để từ đó quyết định phương án can thiệp phù hợp nhằm tạo ra vẻ tự nhiên nhất có thể. Thay vì một cái mũi thật cao, đôi mắt thật to, tôi mong muốn khi trở lại cuộc sống và công việc sau khi lành vết thương phẫu thuật, những người quen biết khó nhận ra nhiều thay đổi ở khách hàng của mình. Nếu ai đó nghĩ rằng thần sắc khách hàng của mình tốt hơn là nhờ vừa trải qua một kỳ nghỉ thú vị thì tôi xem đó là thành công.

Nếu được lựa chọn giữa một phụ nữ không sửa sang và một phụ nữ phẫu thuật, anh sẽ chọn ai?

Dân gian có câu “Thà xấu thiệt còn hơn đẹp giả”. Cũng bảy chữ ấy, tôi đổi thành “Thà giả đẹp còn hơn thiệt xấu”. Nếu phẫu thuật thẩm mỹ đem lại hiệu quả nhất định về sắc đẹp thì tại sao không? Sự can thiệp của y học ở khía cạnh thẩm mỹ làm cuộc sống của con người vui hơn. Theo quan sát của tôi, những phụ nữ có nhan sắc thường khá tự tin, dễ chan hòa với mọi người chung quanh và có được nhiều thuận lợi hơn trong công việc. Ngược lại, những phụ nữ thiếu tự tin về nhan sắc của mình thường có xu hướng co mình lại, ngần ngại hòa nhập với môi trường chung quanh. Chưa kể, nhan sắc cũng là một yếu tố tác động đến hạnh phúc gia đình. Một khách hàng nữ của tôi nói rằng chị mặc cảm với bầu ngực khá khiêm tốn của mình bởi ông chồng chị thích phụ nữ có bầu ngực nở nang, tròn trịa. Đó cũng là lý do khiến gia đình chị lục đục khi người chồng đi tìm thú vui ở những quán bia ôm. Tôi nói rằng bác sĩ phẫu thuật không mang lại hạnh phúc cho chị cũng như những rắc rối trong cuộc sống hôn nhân. Chỉ có điều, sau khi phẫu thuật, chị rũ bỏ mặc cảm về hình thể của mình. Sự tự tin khiến chị sống vui hơn, trở nên đáng yêu hơn trong mắt người chồng. Trở lại với câu hỏi của anh, nếu lựa chọn giữa một người không đụng đến dao kéo mà đẹp năm phần và một người sửa sang mà đẹp mười phần thì chắc chắn tôi sẽ chọn người đã sửa sang sắc đẹp. Làm đẹp vừa là nghề nghiệp, vừa là niềm đam mê của tôi.

Anh có thể nói rõ hơn…

Tôi thích làm đẹp từ nhỏ. Khi còn là một cậu bé lên năm, một trong những trò chơi yêu thích của tôi là phá phách những con búp bê của chị tôi. Tôi thường ngắm nhìn những con búp bê và tự nghĩ liệu eo nó thon hơn và chân nó dài hơn thì sẽ đẹp hơn không, vậy là tôi lấy dao rạch bụng búp bê và dùng kim băng bấm lại. Để chân búp bê dài hơn, tôi cắt chân một con khác để nối chân cho con còn lại được dài hơn. Trò chơi tai quái của tôi làm chị tôi khóc quá trời. Mẹ tôi la tôi hoài về chuyện này. Còn cha tôi thì lại nhận ra thiên hướng nghề nghiệp của tôi. Trong số những anh chị em trong gia đình, tôi là người duy nhất được cha tôi khuyến khích thi vào trường y.

Thực tế đã có không ít trường hợp phụ nữ gặp phải những biến chứng sau khi đi phẫu thuật thẩm mỹ. Có vẻ như phẫu thuật thẩm mỹ ở nước ta còn khá nhiều rủi ro đối với những người sử dụng dịch vụ y tế này?

Đã đụng đến dao kéo là có rủi ro. Nặng nhất là có thể tử vong. Nhẹ hơn là những biến chứng sau phẫu thuật. Có những biến chứng không thể phục hồi được. Chẳng hạn như khi căng da mặt, nếu liệt dây thần kinh số bảy thì sau một thời gian, gương mặt nạn nhân bị méo xệch, không thể khôi phục được dù kỹ thuật vi phẫu đã có những bước tiến đáng kể. Còn những biến chứng nhẹ thì bác sĩ nào hành nghề chắc chắn cũng phải trải qua. Tuy nhiên, ở Việt Nam các bệnh nhân khi bị biến chứng, đáng ra bệnh nhân nên quay lại kiếm bác sĩ đã phẫu thuật để xử lý thì lại tìm đến bác sĩ khác. Theo tôi như vậy là không nên vì người hiểu rõ tình trạng của bệnh nhân chính là bác sĩ đã phẫu thuật.

Người ta nói bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ là nghề hốt bạc. Là người trong nghề, anh nghĩ sao?

               Nhận định này có thể đúng với một số người khác, nhưng chưa đúng với tôi. Tôi theo nghề này đã sáu năm nhưng bây giờ vẫn chưa có nhà riêng…. Như vậy có gọi là hốt bạc được không? Nhìn quanh những bạn học cũ ở trường y, còn khá nhiều người có cuộc sống hiện tại khá vất vả.

Trong nghề y, anh có chịu ảnh hưởng từ những người thầy của mình?

Có. Ở trong nước, tôi thần tượng ba người. Ở mỗi người, tôi đều học thêm được một điều gì đó ngoài tri thức. Người đầu tiên là phó giáo sư, bác sĩ Nguyễn Văn Huy, Viện trưởng Viện Giải phẫu Đại học Y Hà Nội. Ông dạy tôi tư duy trong nghiên cứu, học tập, cách nhìn nhận cuộc sống. Người thứ hai là bác sĩ Lê Thị Duyền, nguyên Trưởng khoa cấp cứu Viện Tai – Mũi – Họng Trung ương. Bà là người sống quên mình vì bệnh nhân, thường xuyên ở lại bệnh viện canh bệnh nhân vừa trải qua những ca phẫu thuật phức tạp. Với những trường hợp này, chỉ cần một chuyển động sai tư thế có thể dẫn đến những biến chứng khôn lường. Người thứ ba là Giám đốc Bệnh viện Răng – Hàm – Mặt Trung ương, phó giáo sư – tiến sĩ Lâm Hoài Phương. Cô dạy tôi kiến thức về tạo hình thẩm mỹ và chữ Nhẫn. Biết nhẫn thì sẽ học được nhiều hơn và bớt phạm sai lầm hơn. Càng ngày tôi càng chứng nghiệm được điều đó. Còn ở nước ngoài, tôi thần tượng một bác sĩ Hàn Quốc. Anh ấy cũng là bạn thân của tôi, một người say mê nghiên cứu. Sách vở đối với anh ấy cần thiết như khí trời.

Xin cảm ơn anh.

 

Tags:
Kiến thức như Á Phiện, càng nạp càng ghiền